Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chức năng chung
Thư viện Trường Đại học TDTT Đà Nẵng có chức năng phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của nhà trường thông qua việc lưu giữ, sử dụng, khai thác các giáo trình, sách tham khảo, tài liệu chuyên ngành, tài liệu in ấn, tài liệu điện tử ...
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quán triệt Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000, Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21/11/2019 của Quốc hội Việt Nam, Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện; Thông tư quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục đại học số 14/2023/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 7 năm 2023;
Nội dung quy định này điều chỉnh các vấn đề sau:
- Tài nguyên thông tin.
- Tổ chức và hoạt động thư viện
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với viên chức, người lao động, sinh viên, học viên; các đơn vị, cá nhân có liên quan đến các hoạt động của thư viện.
Chương 2
TÀI NGUYÊN THÔNG TIN
Điều 3. Yêu cầu đối với tài nguyên thông tin
Tài nguyên thông tin bao gồm: Giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liệu nội sinh… cả bản in và bản số.
Nhà trường cung cấp đủ tài nguyên thông tin phù hợp với mỗi chuyên ngành đào tạo.
Tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm được xử lý, tổ chức, bảo quản và kiểm kê, thanh lọc theo quy định, quy trình nghiệp vụ thư viện;
Tài nguyên thông tin số được xử lý, tổ chức, lưu giữ, bảo quản và kiểm kê, thanh lọc theo quy định, quy trình nghiệp vụ thư viện và tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin.
Lưu trữ tài nguyên thông tin: Tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm được lưu trữ theo hình thức kho mở và kho đóng; tài nguyên thông tin số được lưu trữ trên hệ thống máy chủ và các loại hình, thiết bị lưu trữ dữ liệu khác;
Các đơn vị căn cứ yêu cầu chương trình, kế hoạch đào tạo, phối hợp với Trung tâm Thông tin, Thư viện và các phòng chức năng đề xuất mua, biên soạn, in ấn xuất bản, sử dụng và khai thác tài nguyên, phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Cá nhân, tập thể được cơ quan cử đi dự các lớp bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, làm luận án tiến sĩ, luận văn tốt nghiệp hoặc được nhận, được mua các tài liệu chuyên môn phục vụ cho học tập, giảng dạy bằng kinh phí của nhà trường, phải bàn giao tài liệu cho Thư viện để lưu giữ; nghiên cứu đề xuất nhân bản và phổ biến đối với những tài liệu cần thiết.
Chương 3
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN
Điều 4. Trung tâm Thông tin, Thư viện
Trung tâm Thông tin, Thư viện là đơn vị trực thuộc trường có chức năng tham mưu giúp Hiệu trưởng quản lý, phát triển, khai thác, ứng dụng CNTT và Thư viện trong nhà trường. Xây dựng mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về công tác thư viện và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. Quản lý công tác Thư viện, phân loại, mô tả và tổ chức phục vụ người đọc, hướng dẫn người đọc khai thác, tìm kiếm, sử dụng các sản phẩm dịch vụ thông tin - thư viện; bổ sung và chuyển nhượng sách, giáo trình, tài liệu. Thu nhận các tài liệu do Trường xuất bản. Tổ chức kho, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản sách, giáo trình, tài liệu, khóa luận, luận văn, luận án, băng, đĩa và các phương tiện kỹ thuật được giao theo quy định.
Điều 5. Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện có trách nhiệm
Chịu trách nhiệm trước Ban giám hiệu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Thông tin, Thư viện. Phụ trách chung, phân công công tác và chỉ đạo các hoạt động của Trung tâm Thông tin, Thư viện theo chức năng, nhiệm vụ được Hiệu trưởng giao; điều hành các hoạt động của Trung tâm.
- Tham mưu Hiệu trưởng trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản về công tác thư viện đúng quy định của Nhà nước, của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch và của nhà trường.
- Có kế hoạch tham mưu Hiệu trưởng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên Thư viện.
- Bổ sung, phát triển nguồn lực thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tham khảo... của cán bộ viên chức, học viên sinh viên nhà trường.
- Tổ chức bảo quản, kiểm kê định kỳ vốn tài liệu Thư viện; thanh lọc các tài liệu lạc hậu, hư nát không còn giá trị sử dụng. Bình xét, đánh giá thi đua, đề xuất Hiệu trưởng khen thưởng trong các hoạt động Thư viện.
Điều 6. Các bộ phận của Thư viện
- Bộ phận nghiệp vụ: Có nhiệm vụ tổ chức xử lý, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản, quản lý tài liệu; xây dựng hệ thống tra cứu thích hợp; thiết lập mạng lưới truy nhập và tìm kiếm thông tin tự động hoá. Xây dựng và tổng hợp vốn tài liệu, tổng hợp các đề xuất bổ sung tài liệu của các khoa, bộ môn chuyển phòng hành chính tổng hợp đề xuất mua, thu nhận các tài liệu được các tổ chức, cá nhân biếu tặng… Xử lý vốn tài liệu, biên soạn các loại thư mục thích hợp. Tổ chức các hoạt động thông tin khác phù hợp với điều kiện cụ thể của Thư viện.
- Bộ phận phục vụ bạn đọc: Có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ và đáp ứng yêu cầu về sử dụng tài liệu có trong Thư viện thông qua hệ thống các phòng đọc, phòng mượn, phòng tra cứu... Cập nhật, quản lý dữ liệu bạn đọc, tổ chức phục vụ, hướng dẫn bạn đọc tra cứu, khai thác, tìm kiếm, sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu Thư viện. Tổ chức các hệ thống kho, phòng phục vụ; bảo quản, kiểm kê kho sách theo quy định. Chuyển nhượng tài liệu, xử lý sách mất, sách đền; tu sửa, phục chế tài liệu hư hỏng, rách nát trong quá trình sử dụng hoặc các nguyên nhân khác.
- Bộ phận Thông tin - Tin học: Nghiên cứu và triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Thư viện; và các phần mềm tiện ích; hỗ trợ cho việc số hoá và xuất bản tài liệu điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện và các hoạt động khác của nhà trường.
Điều 7. Trách nhiệm của cán bộ thư viện
Đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc trong việc sử dụng các vốn tài liệu của Thư viện và tham gia các hoạt động do Thư viện tổ chức.
Nghiên cứu nhu cầu của bạn đọc và phối hợp với các khoa, bộ môn để nắm bắt nhu cầu sử dụng tài liệu giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên gửi về phòng hành chính tổng hợp lập kế hoạch mua sắm. Cuối mỗi năm học kiểm tra, thanh lọc ra khỏi kho các tài liệu lạc hậu, hư nát theo quy định, đề nghị thanh lý các tài liệu không còn hiệu quả và nhu cầu sử dụng.
Thực hiện đầy đủ các quy trình kỹ thuật chuyên môn như bổ sung, phân loại, biên mục, xây dựng mục lục, xếp giá, quản lý dữ liệu bạn đọc, hướng dẫn sử dụng thư viện, vệ sinh kho,.... đáp ứng nhanh chóng và chính xác nhu cầu bạn đọc.
Phục vụ mượn - trả, chuyển nhượng tài liệu, thu tiền phạt, tiền bồi thường các tài liệu theo quy định. Cuối mỗi năm học, phải bàn giao tiền thu được về bộ phận Tài vụ phòng Hành chính Tổng hợp (sau khi trừ phí phát hành, phí xử lý nghiệp vụ...) và đối chiếu sổ sách lưu kho.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng trong nhà trường trong việc thu hồi tài liệu, hạn chế thất thoát tài liệu.
Tiến hành kiểm kê định kỳ vốn tài liệu Thư viện; đề xuất thanh lọc các tài liệu lạc hậu, hư nát không còn giá trị sử dụng.
Điều 8. Quyền hạn của cán bộ thư viện
Khước từ các yêu cầu của người đọc nếu yêu cầu đó trái với Thư viện và các quy định hiện hành về hoạt động Thư viện.
Thu phí một số dịch vụ Thư viện (phí xử lý nghiệp vụ sách bồi thường, phí phát hành tài liệu,...). Hàng năm, nhân viên thư viện có trách nhiệm thống kê và nộp lại số tiền thu qua nộp phạt, bồi thường tài liệu bằng tiền mặt về bộ phận Tài vụ -phòng Hành chính tổng hợp và được giữ lại 5.000đồng/ấn phẩm cho phí xử lý nghiệp vụ Thư viện, 5% một ấn phẩm cho phí chuyển nhượng tài liệu,…
Được tham gia các hội thảo, hội nghị, các lớp bồi dưỡng về công tác Thư viện. Được tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi nghề nghiệp và các chính sách khác theo quy định của nhà nước.
Do đặc thù kho mở, phòng đọc mở hàng năm được khấu hao 1% tài liệu hao hụt.
Điều 9. Chuyển nhượng, trao đổi, bổ sung tài liệu
Đối với cán bộ giảng viên: Giáo trình do nhà trường tổ chức biên soạn, Chủ biên được cấp 02 bộ, người tham gia biên soạn được cấp 01 bộ. Đối với các sách giáo khoa, giáo trình hoặc các tài liệu, nếu có nhu cầu sử dụng lâu dài phục vụ cho công tác chuyên môn, trưởng các đơn vị (phòng, khoa, bộ môn...) đề nghị Hiệu trưởng duyệt xuất cấp về cho đơn vị để quản lý sử dụng.
Đối với sinh viên: Được mua giáo trình và tài liệu chuyên môn do nhà trường biên soạn để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và sử dụng lâu dài trong công tác.
Hàng năm, nhân viên thư viện có trách nhiệm thống kê và nộp lại số tiền thu qua chuyển nhượng về bộ phận Tài vụ - phòng Hành chính tổng hợp, đồng thời có kế hoạch đề xuất bổ sung nguồn tài liệu mới.
Điều 10. Quy định về sử dụng và phục vụ giáo trình
10.1. Những quy định chung
Chỉ cho phép lưu hành trong Nhà trường và các lớp do Trường tổ chức tại các đơn vị liên kết các xuất bản phẩm được xuất bản hợp pháp theo quy định của Luật Xuất bản.
Sinh viên bắt buộc phải có giáo trình do giảng viên dạy các môn học quy định. Nghiêm cấm giảng viên, sinh viên sử dụng và phát hành các tài liệu học tập do Nhà trường biên soạn, xuất bản, in ấn và phát hành như giáo trình, tập bài giảng, sách chuyên khảo, …với hình thức photocopy và in không phép, vi phạm luật bản quyền.
10.2. Hình thức phục vụ
Giáo trình do Nhà trường biên soạn được phục vụ không tính phí tại Phòng Đọc mở.
Bạn đọc có nhu cầu mượn giáo trình phải tuân theo các quy định: Tại thời điểm bất kì chỉ được mượn tối đa là 10 quyển/1 bạn đọc, thời gian trả sách được ấn định trong vòng 10 ngày sau khi thi môn cuối cùng theo lịch thi của nhà trường. Quá thời hạn, bị mất hoặc hư hỏng, phải bồi thường theo Nội quy thư viện (điều 11)
10.3. Chính sách khuyến khích mua Giáo trình với số lượng lớn
Bạn đọc trong và ngoài nhà trường được giảm giá 10% khi mua tài liệu với số lượng >= 10 cuốn.
10.4. Trách nhiệm chung của các đơn vị, cá nhân
Cán bộ, giảng viên, cố vấn học tập có trách nhiệm phổ biến, kiểm tra, theo dõi và đôn đốc sinh viên thực hiện Quy định. Bộ phận Tài vụ - Phòng Hành chính Tổng hợp có chức năng định giá hỗ trợ và phối hợp với Trung tâm thực hiện.
Điều 11. Nội quy thư viện
11.1 Quy định sử dụng tài liệu tại phòng đọc
- Bạn đọc xuất trình Thẻ /giấy tờ tùy thân trước khi vào phòng đọc.
- Bạn đọc trực tiếp chọn tài liệu và sử dụng không quá 03 bản một lần và trả lại đúng vị trí xếp giá.
- Tuân thủ luật bản quyền khi sử dụng tài liệu thư viện
- Để tư trang đúng nơi quy định, tự quản lý tư trang. Chỉ được mang bút, vở, máy tính, điện thoại (chế độ im lặng) vào phòng đọc. Không mang tài liệu thư viện ra khỏi phòng đọc.
- Cấm hút thuốc lá; không ăn uống, xả rác; ăn mặc lịch sự. Đảm bảo sự yên tĩnh, không trao đổi ồn ào, không nói chuyện qua điện thoại, không gây mất trật tự trong phòng đọc.
- Bảo vệ tài sản thư viện. Không được đánh tráo, chiếm dụng, cắt xén hoặc làm hư hại tài liệu. Giữ gìn bàn ghế, giá, tủ,… của thư viện.
11.2. Quy định sử dụng tài liệu tại phòng mượn
- Bạn đọc tra cứu tài liệu qua Website nhà trường, mục Tra cứu tài liệu.
- Xuất trình thẻ sinh viên để được mượn tài liệu.
- Khi nhận tài liệu bạn đọc kiểm tra kỹ số lượng trang, chất lượng tài liệu. Nếu phát hiện thấy rách, thiếu trang và các hư hỏng khác phải báo ngay cho nhân viên Thư viện.
- Khi trả tài liệu, phải trả đúng số đăng ký của tài liệu đã mượn.
- Bạn đọc có trách nhiệm bảo quản cẩn thận tài liệu Thư viện. Tài liệu trả phải còn nguyên bản, không bị mất trang, hỏng gáy, ẩm ướt, cũ nát. Không được ký, viết tên, làm dấu, tẩy xóa,…trong tài liệu.
- Tuân thủ luật bản quyền khi sử dụng tài liệu thư viện
11.3. Quy định tài liệu được mượn về nhà
Tài liệu được mượn về nhà là những loại tài liệu thông dụng, phổ biến. Thư viện không cho bạn đọc mượn những tài liệu có dưới 05 bản/đầu sách; Đối với các loại tài liệu quý hiếm, tài liệu có số lượng lưu hành ít, bạn đọc chỉ được sử dụng tại phòng đọc.
- Đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên: Được mượn tối đa 10 đầu tài liệu ghi trong thẻ và thời gian mượn không quá 06 tháng. Sau 6 tháng, nếu có nhu cầu sử dụng tiếp, phải đến Thư viện để gia hạn. Thời gian gia hạn không quá 6 tháng.
- Đối với sinh viên: Số tài liệu được mượn không giới hạn, nhưng chỉ được mượn tối đa 10 đầu tài liệu ghi trong thẻ. Cuối mỗi học kỳ phải hoàn trả tài liệu đầy đủ cho Thư viện mới được mượn ở học kỳ tiếp theo.
- Tuân thủ luật bản quyền khi sử dụng tài liệu thư viện
11.4 Quy định thanh toán tài liệu thư viện
- Một tuần trước ngày xét tốt nghiệp, sinh viên phải hoàn trả tài liệu. Sau thời gian đó, sinh viên phải đền tiền sách đã mượn tại bộ phận tài vụ nhà trường.
- Cán bộ viên chức, sinh viên/học viên không còn công tác, học tập tại trường phải hoàn thành việc trả nợ tài liệu Thư viện.
- Phòng CTHSSV, ĐTQLKH&HTQT phối hợp với Trung tâm TTTV xác nhận về những trường hợp thôi học, bỏ học, ra trường… trước khi ra các quyết định.
11.5. Xử lý vi phạm
Bạn đọc phải trả đúng số đăng ký của tài liệu. Nếu không đúng, nhân viên Thư viện được quyền từ chối nhận lại các ấn phẩm này, bạn đọc phải nộp phạt bằng giá gốc của tài liệu đã mượn.
Bạn đọc không hoàn trả tài liệu đúng thời gian quy định, sẽ không được phép mượn các tài liệu tiếp theo và bộ phận thư viện sẽ báo cáo các phòng chức năng để xử lý vi phạm có liên quan.
- Các trường hợp ký tên, đánh dấu, tẩy xoá viết vẽ lên trang sách: Người mượn phải nộp phạt từ 5.000 đồng trở lên tùy theo mức độ vi phạm.
- Các trường hợp mất tài liệu: Người mượn làm mất tài liệu phải bồi thường bằng tiền mặt, giá trị bồi thường gấp 02 lần giá gốc.
- Các trường hợp làm hỏng gáy, hỏng bìa hoặc sút chỉ long sách: Bạn đọc phải sửa chữa như nguyên bản trước khi hoàn trả cho Thư viện. Nếu hoàn trả không đúng nguyên bản, Thư viện được quyền từ chối nhận lại ấn phẩm, và người mượn phải bồi thường như trường hợp làm mất tài liệu.
- Các trường hợp làm rách, mất trang sách: Thư viện được quyền từ chối nhận lại các ấn phẩm này, và người đọc phải bồi thường như trường hợp mất tài liệu.
Tùy theo mức độ vi phạm, bạn đọc có thể bị phạt tiền hoặc mất quyền sử dụng thư viện vĩnh viễn.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Quy định này có hiệu lực thực hiện từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc, các cá nhân, tập thể đóng góp ý kiến thông qua Trung tâm Thông tin, Thư viện. Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện có trách nhiệm tổng hợp trình Hiệu trưởng xem xét, quyết định.
Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện quy định này.
(Theo Quyết định số 770/QĐ-TDTTĐN ngày 03/7/2024)
|